Quốc Tử Giám và trường Hàm Nghi ở Huế
Trên một khu đất không rộng, mỗi bề chỉ trên dưới 200m, nằm ở phía đông Hoàng Thành Huế, trải qua thời gian đã từng là nơi tồn tại nhiều công trình quan trọng: Trường Quốc Tử Giám, Trường Hàm Nghi, Bảo Tàng Lịch Sử của Tỉnh, Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế.
Ban đầu Trường Quốc Tử Giám được triều đình nhà Nguyễn xây dựng tại làng An Ninh Thượng, sát bờ bắc sông Hương, phía tây Văn Miếu hiện nay. Đến năm 1908 vì trường ở xa Kinh Thành, đi lại bất tiện, vua Duy Tân cho di dời về khu đất phía đông Hoàng Thành.
Di Luân Đường
Trường ở chỗ mới chia thành 2 khu vực ngăn cách nhau bằng con đường nhỏ (nay là đường Lê Trực); ở phía giữa khu chính có Di Luân Đường (được xem là Hội Trường Chính) ở phía khu vực phụ phía sau là Tân Thư Viện (thư viện của trường). Hai công trình này nguyên trước đây nằm ở cung Bảo Định (được xây dựng phía bắc Ngự Hà, năm 1845, là hành cung của vua Thiệu Trị) được hạ giải và đưa về dựng tại đây vào các năm 1908–1909. Hai bên phía sau Di Luân Đường xây 2 phòng học, trước hai nhà này là 2 dãy cư xá dành cho giám sinh. Hai bên Tân Thư Viện có nhà ở cho quan tế tửu (hiệu trưởng) và quan tư nghiệp (hiệu phó) ngoài ra còn có nhà ở dành cho các giáo quan (thầy dạy) và nhân viên của trường.
Năm 1923, Tân Thư Viện được chuyển làm bảo tàng Khải Định (nay là bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế) thư viện dời sang ngôi nhà phía sau bên trái Di Luân Đường, trở thành Bảo Đại Thư Viện (từ 1923–1945)
Đầu những năm 50, khu vực Di Luân Đường trở thành nơi đóng quân của Việt Binh Đoàn của Quốc Trưởng Bảo Đại (ảnh 1). Cuối thập niên 50, trường Hàm Nghi được thành lập, ban đầu là trung học đệ nhất cấp (cấp 1) đến niên khóa (1965 – 1966) mới có đệ nhị cấp (cấp 3), các phòng học, cư xá cũ được sử dụng làm phòng học của trường, ngoài ra một dãy nhà dành làm phòng thí nghiệm, phòng học được xây thêm dọc đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay sau đó được xây thêm một dãy phòng ở phía đối diện. Riêng tòa nhà Di Luân Đường thì vẫn được giữ nguyên như cũ, bên trong vẫn có bàn thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền, tiên nho.
Trường trung học Hàm Nghi tồn tại cho đến năm 1975, là một trong những trường có chất lượng dạy và học rất tốt tại Huế cũng như những phong trào thể thao, văn nghệ, xã hội khác. Sau năm 1975, trường giải tán, học sinh của trường chuyển sang học tại các trường khác. Các kiến trúc của trường kể cả tầng dưới của Di Luân Đường được sử dụng làm phòng trưng bày và kho hiện vật của bảo tàng Tỉnh (Bình Trị Thiên rồi Thừa Thiên – Huế), các dãy phòng học phía sau hai bên trái phải được dùng làm nhà ở cho CB-CNV bảo tàng. Để phục vụ trưng bày ở khu đất phía trước, người ta đã phá bỏ cổng Tam Quan, xây thêm phía hàng rào bọc ra ngoài hai khu đất trống này.
Minh Trưng Các
Hiện nay trên khu đất này, các công trình quan trọng vẫn còn tồn tại và được tu sửa. Các dãy phòng học, thư viện, nhất là Di Luân Đường được tu sửa vào những năm 1990, lợp lại ngói âm dương tráng men vàng, ở tầng trên, Minh Trưng Các, vẫn còn bảo tồn được các bài thơ chữ Hán và các bức chạm, khảm cẩn xà cừ và ngà voi theo lối nhất thi nhất hoạ (ảnh 2). Phía trước vẫn còn hai tấm bia cổ. Tấm bia được dựng ở sân trước khắc bài thơ Huỳnh Tự Thư Thanh của vua Thiệu Trị (1841 – 1847) ca ngợi cảnh đẹp của Quốc Tử Giám (cũ) như là một trong 20 cảnh đẹp nhất của Huế (Thần Kinh Nhị Thập Cảnh). Tấm bia thứ hai lớn hơn dựng ở bên kia con đường trước trường (đường 23/8 hiện nay) khắc một số bài thơ của vua Tự Đức (1848 – 1883) làm nhân một dịp vua đến viếng trường để răn dạy thầy trò của trường phải - học tốt. Hai tấm bia này nguyên của trường Quốc Tử Giám cũ đã được dời về đây cùng với lần chuyển chỗ trường này. Chính quyền Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có dự án xây dựng lại cổng Tam Quan phía trước và bảo tồn khu vực này như trường Quốc Tử Giám trước đây.
Trong suốt bề dày lịch sử của khu vực này, trường Hàm Nghi tồn tại không lâu, chỉ 20 năm, nhưng trường đã đào tạo được không ít những lớp người ưu tú. Học sinh của trường, tuy ở đâu và thuộc tầng lớp nào, cũng dều giữ được trong tim hình ảnh của ngôi trường thân yêu và những kỹ niệm đẹp của một thời học sinh trong sáng.
Huế, tháng 9/2003
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
DANH SÁCH CÁC TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC QUA TỪNG NĂM & GIAO LƯU TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC (Ghi chú: Từ 2016 đến nay chưa chính xác). Trưởng ban thứ 27 NĂM 2024-2025 Trương Hoàng. Địa chỉ: . Điện thoại: . Điện thoại di động: .Email: Lần thứ 26 NĂM 2022-2023 Chưa cập...